Khai trương ngày 20/07/2008.
Theo những tài liệu bằng chữ Hán và ghi chép của cụ Lã Văn Lô, thì dòng họ Lã tụ cư chủ yếu ở các xóm Lục Luông, Chì Ca, Co Chí, Pàn Cú, Bản Làng, Pàn Khoang, thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Theo tục truyền, ghi trong các bài văn tế, họ Lã nguyên quán ở ba huyện Nam Hải tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). Tổ tiên của dòng họ, trước khi di cư vào Việt Nam, đã từng sinh sống ở vùng Pá Sliếc, Co Càng, Chang Ná, thuộc huyện Minh Giang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Có hai truyền thuyết liên quan đến dòng họ.
1. Nuôi hổ để canh ao cá
Theo truyện kể lại, ngày xưa, một cụ tổ tiên ta nuôi hổ để canh ao cá.
Thường thường cụ vẫn đi guốc đinh, đương đêm đến kiểm tra xem nó có làm tròn nhiệm vụ không, nhưng không thấy bóng nó đâu cả.
Một đêm cụ đi chân không để kiểm tra, liền bị hổ cắn chết. Hổ biết đã cắn lầm chủ, liền vác xác đem quẳng vào đầu hồi,
thi thể nằm ngang với chiều ngang của ngôi nhà, rồi đi cắn đem về một số lợn, quẳng vào nhà để làm ma cho chủ.
Ngày nay, khi nhà có người chết, những người thuộc dòng họ Lã vẫn có tục để chiếc quan tài ngang với chiều ngang của nhà.
2. Thầy phủ thủy cao tay
Họ Lã có tục làm thày phù thủy, tức là thầy tào, thờ Phật tổ Như Lai và Thái Thượng Lão quân, tức là Tổ sư của nghề cúng bái.
Theo truyền thuyết, họ Lã có một thầy phủ thủy rất cao tay là cụ Lã Thanh Toản. Cụ có thể dùng sọt đan mắt cáo để gánh nước,
dùng nón để làm thuyền bơi sang sông.
Một hôm, ở chợ Kỳ Lừa, khách trú tổ chức một đám chay lớn. Một cụ mặc áo nhà quê đến đám chay.
Cụ rất thích đánh trống, thấy trống của đám chay, cụ cầm dùi đánh liên hồi. Bọn thầy cúng Tàu không biết cụ là ai, cho là một ông lão dở hơi, liền mắng đuổi cụ đi.
Bỗng chốc, bao nhiêu lá cờ, phướn đều chổng ngược lên trời. Thấy điều lạ, thầy cúng chủ trì đám chay hỏi ra mới biết là đồ đệ của ông đã ngược đãi cụ Lã Thanh Toản.
Ông liền cấp tốc cho đồ đệ đuổi theo mời cụ đến để xin lỗi. Cụ Toản thu phép lại. Lúc bấy giờ các lá cờ, phướn trong đám chay lại trở lại bình thường.
Về lai lịch, bản gia phả ghi chép bằng chữ Hán nói rằng, thời xưa không rõ tông tích lắm. Chỉ biết là dòng họ Lã có hai chi: chi Trưởng là Trí Hữu, chi Thứ là Toán Hữu. Đến nay, đã truyền được hơn 10 đời.
Người biên tập: Lã Ngọc Quang.