Khai trương ngày 20/07/2008.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
1. Thời thơ ấu
Tôi sinh năm Kỷ Dậu, tháng 9, ngày 17, giờ Ngọ, tại phố Đông Cai, Kỳ Lừa, Lạng Sơn. Cha tôi là Lã Lương Viên, làm đội lệ ở nhà Pò Cằng. Cha tôi nuôi thêm một đứa cháu tên là Dèn, tức là Lã Quỳnh Văn, hơn tôi 7 tuổi, con bác tôi, ra thị trấn học chữ Hán với một ông đồ. Tôi chỉ nhớ mang máng ở bên cạnh nhà tôi có một bà rất quí tôi, là vợ bác phó tổng Hiển Xuân. Bà ta làm nghề bán bánh tẻ, sáng nào bà ta cũng biếu tôi một chiếc. Tôi gọi bà bằng u, coi như mẹ thứ hai của tôi. Tôi còn nhớ hồi đó, cứ đến đầu mùa hè, người ta dựng đàn ở đầu phố Đông Cai làm chay để trừ ma ôn dịch hoặc những đêm rằm Trung Thu, trẻ em rước đèn đủ các màu sắc, các hình thù con giống vui chơi đến tận khuya.
Khi tôi lên 3 tuổi, bố tôi được thăng chức Châu đoàn Văn Uyên, dọn nhà về ở xóm Lục Luông, xã Lộc Yên, trước thuộc huyện Văn Uyên, nay thuộc huyện Cao Lộc.
2. Bố tôi
Bố tôi là Lã Lương Viên, người tầm thước nhưng biết võ, tính hào hiệp, được các bạn đồng sự và đàn em mến. Khách đến nhà luôn luôn được chiêu đãi cơm nước, không mấy khi cho về không. Có rượu thịt, đàn em tha hồ đánh chén thả cửa. Bố tôi thường kể lai lịch xuất thân như sau:
Ông nội tôi hiếm hoi lấy ba đời vợ mới sinh được ba con trai, bác tôi là Lã Lương Thiêm, bố tôi là Lã Lương Viên, chú tôi là Lã Lương Thịnh. Ông nội tôi mất năm 54 tuổi, các con đều chưa đến tuổi thanh niên. Nhà nghèo, đi trọ học, phải đi hái lá để bán lấy tiền mua thêm thức ăn. Bố tôi chỉ được học vài ba năm chữ Hán. Ông bác được học cao hơn, sau này làm nghề thầy phù thủy, tức thầy tào.
Một sự kiện bất ngờ xảy ra đã làm thay đổi cuộc sống của cha tôi. Một hôm, cha tôi cùng ông bác trình tường. Trong một cuộc cãi vã, ông bác nổi nóng, cầm chiếc chày đánh cha tôi. Cha tôi đỡ, trúng phải ngón tay cái của ông bác chảy máu. Ông bác dọa: “mày đánh anh, tao sẽ kiện mày trước cửa quan”. Ông bố tôi hoảng sợ chạy ra nhà Pò Cằng (Cao Lộc) làm lính lệ, tức là một thứ lính làm cần vụ cho các quan lại. Lúc bấy giờ, viên chánh đội lại không biết chữ, bố tôi cũng không giỏi lắm, nhưng có thể ghi được tên người. Chẳng mấy chốc, bố tôi được thăng phó đội, về sau thăng chức chánh đội. Ông bố tôi tự học lấy chữ quốc ngữ, chủ yếu qua đánh vần truyện Kiều. Ông thường nói với tôi: “Truyện Kiều hay lắm, học hết truyện Kiều sẽ biết nhiều chữ lắm”. Sau vài năm làm đội lệ, bố tôi được thăng chức châu đoàn Văn Uyên, lúc bấy giờ bao gồm cả Cao Lộc.
Ông bố tôi còn kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện, tỏ ra có chí dũng cảm và mau trí khôn khi gặp khó khăn, nguy hiểm.
Dân hai làng săn đuổi đâm chết một con sơn dương. Đồng bào cho là tiết sơn dương rất bổ, cho nên tranh nhau lấy ống nứa để hứng tiết, để pha rượu uống. Thế là suýt nổ ra một cuộc xung đột đổ máu giữa dân hai làng. Hai bên dùng lao, gậy gộc, dáo, mác để chực đâm chém nhau. Ông bố tôi vừa khuyên răn, vừa xông vào múa gậy, gạt hai bên ra. Thế là tránh được một cuộc xung đột đổ máu.
Bố tôi và một ông bạn đang đi đêm thì gặp một con báo. Giống báo rất tinh nghịch, hay trêu người. Cứ đi được vài bước, nó lại nhảy soạt qua trước mặt, có khi gần sát vào người. Bố tôi bảo người bạn đường hãy dừng một lát đã, đợt trăng mọc lên sẽ tiếp tục đi. Hai người đứng tựa lưng vào nhau, mỗi người nắm chắc một gậy dài, sẵn sàng đối phó khi cần thiết. Khi trăng mọc lên, hai người cùng thét lên một tiếng, xông vào dùng gậy đập mạnh vào một đám cỏ đang rung rinh lay động. Thế là hai bạn đi đường an toàn. Đến một chiếc lều nương dựng trên một cây gạo, rồi trèo lên ngủ một giấc ngon. Sáng dậy thì thấy nhiều vết cào cấu chân báo dưới gốc cây gạo.
Kinh nghiệm cưỡi ngựa đi đường khi gặp hổ. Bố tôi cho biết phải chuẩn bị sẵn trong túi vài nhánh tỏi khô. Giống ngựa khi gặp hổ hoặc hít phải hơi hổ thường run lên không chạy được nữa. Lúc bấy giờ phải nhảy xuống ngựa, nhét tỏi vào lỗ mũi thì ngựa lại chạy được bình thường. Không có tỏi thì đái vào lỗ mũi ngựa cũng được.