Khai trương ngày 20/07/2008.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
7.4. Bị Tàu trắng bắt
Sau hiệp định mùng 6 tháng 3 (1946), quân đội Trung hoa triệt thoái khỏi Việt Nam, nhường chỗ cho quân đội tiếp phòng Pháp vào thay thế.
Tôi là Chủ tịch huyện, một mặt nhận được chỉ thị của cấp trên sửa đường cho quân đội Trung hoa triệt thoái,
mặt khác nhận được chỉ thị phá đường để chống quân đội Pháp tiến từ Nam Ninh vào Việt Nam. Lúc bấy giờ còn khoảng 600 xe của Tàu Tưởng chưa rút hết.
Một tên thiếu tướng, Trưởng đoàn Vận tải đến gặp tôi, đề nghị sửa chữa gấp rút đường cho chúng ngay trong đêm.
Tôi huy động tự vệ và một số nhân dân lên xe tải bọn Tàu Tưởng cùng đi để sửa chữa giải tỏa những khúc đường bị phá hủy hay bị chướng ngại vật cản trở.
Tôi ngồi trên cabin bên cạnh tên thiếu tướng đi xe đầu. Đến cầu sông Hóa, hai bánh xe trước chiếc xe đi đầu bị sa xuống hố suýt đổ.
Anh em tự vệ phải ỳ ạch mãi mới kích lên được. Đoàn xe quay lại nghỉ ở đồn Mẹt để sáng mai đi sớm, khi con đường được đội tự vệ khai thông.
Sáng hôm sau, đoàn xe tải phần lớn chở tù binh Nhật lên đường đi Lạng Sơn, không gặp cản trờ gì, con đường đã được khai thông.
Tên thiếu tướng Trưởng đoàn vận tải hầm hầm nổi giận mắng tôi : “Các anh tệ quá, các anh đánh cả Nhật, Pháp, Tàu nữa”.
Tôi vốn thông thạo tiếng quan hỏa, trả lời: “Chúng tôi nhận được chỉ thị cấp trên sửa đường, cho quân đội Trung hoa triệt thoái,
nhưng vì dân chúng tôi hết sức căm thù đế quốc Pháp từ Nam Ninh tràn vào”.
Lần này, tên chỉ huy đoàn xe tải không cho tôi ngồi cạnh hắn ở cabin nữa, mà xếp tôi ngồi với tù binh Nhật. Đang đi, bỗng có một xe chạy vụt qua,
bụi bay mù, có tiếng kêu: “Ới anh Lô ơi, bọn Tàu nó bắt tôi rồi.” Đó là đồng chí Yên, chủ nhiệm Việt Minh huyện, bị quân Tàu bắt, trói vào càng xe mang đi.
Anh Yên nói với tôi: “Mình phải tim phương pháp để thoát thân, thà chết còn hơn chúng dùng nhục hình để hành hạ”. Đến dốc Sài Hồ, xe ngừng để lấy nước. Anh Yên thụi vào mặt tên lính gác một quả đấm rồi nhảy xuống xe lăn xuống dốc, đi đến làng Bắc Khoan, rồi theo đường xe lửa về Mẹt. Tên lính gác bắn mấy phát súng, may không trúng. Đây là trường hợp đồng chí Yên dùng cách phiêu lưu mạo hiểm được thoát thân.
Còn tôi bị đưa vào thành Lạng Sơn, bị giam vào phòng cấm. Lúc bấy giờ, ở trong thành toàn Tàu là Tàu. Ngoài lính Tàu ra, cả người lao công đều là Tàu cả,
không có ai mà nhắn tin ra ngoài được, mặc dầu ở đất quê hương của mình. Tôi tìm cách làm thân thiện với lính Tàu.
Chúng hỏi ông có phải là người Trung Quốc không, làm sao nói thông thạo tiếng quan hỏa thế. Tôi trả lời, tôi là người Việt Nam, là một quan huyện,
bị các quan bắt về đây, vì dân chúng căm thù Pháp, tự động phá đường, để chống quân đội Pháp. Chúng tỏ ra có cảm tình và nể, khi biết tôi là quan huyện.
Chúng lấy nước rửa mặt cho, có đứa tỏ ra nhiệt tình nói: ở đây không có cơm ăn cho tù nhân đâu. Tôi có thể ra phố giúp ngài mua phở được.
Thế là còn một ít tiền trong túi, tôi dốc hết cho nó đi mua phở.
Một lúc hắn đến, mang cho một đĩa phở xào ngon đáo để, nhưng rồi lại phải vào nằm phòng giam. Tôi không còn cách nào khác là viết một bức thư bằng chữ Hán
cho tên chỉ huy thành Lạng Sơn, kể lại trường hợp tôi bị bắt, tôi không cố tình chống quân đội Trung Hoa. Một lúc thì thấy một tên cai mang cho tôi một xoong cơm,
1 xoong cải băng luộc và 1 xoong canh. Tôi cám ơn vì đã ăn phở xào rồi.
Tôi phải ở phòng giam một đêm không chợp được mắt, giữa đám muỗi, rệp. Lần đầu tiên, tôi nếm mùi trại giam của đế quốc. Sáng hôm sau, khoảng mười giờ,
tôi nghe mở khóa lạch cạch phòng giam, hai tên lính đeo bay on nói tôi lên gác gặp tên Liêu dinh trưởng hồng cao, béo tôi, miệng đầy răng vàng, tươi cười nói với tôi:
“Ông là Lã chủ tịch, ông phải ký cam đoan không phá đường cản trở, cho quân đội Trung hoa rút về nước”. Tôi đồng ý ký.
Lúc bấy giờ, có anh Hà Văn Thư, chủ nhiệm Việt Minh tỉnh, anh Chấn Hoạt, người Hoa Kiều, làm phiên dịch, và một thanh niên, anh Đinh Như Thành đến can thiệp
về việc tôi bị quân Trung hoa bắt, cũng có mặt ở đấy. Ký xong, tôi được trả tự do, anh em Lạng Sơn muốn mời tôi ở lại ăn cơm nước rồi sẽ về Hữu Lũng.
Nhưng tên thiếu tướng chỉ huy đoàn xe tải chịu trách nhiệm đưa tôi về.
Thấy tôi trở về, anh em ở Mẹt tổ chức một bữa cơm liên hoan, mừng tôi được bình yên vô sự. Đang sắp sửa ngồi vào bàn tiệc, đồng chí Yên thoát nạn cũng trở về, chân đi khập khiễng vì phải nhảy xuống dốc Sài Hồ. Thế là hai đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ nhiệm Việt Minh huyện đều thoát nạn trở về, cùng bà con Mẹt dự bữa tiệc liên hoan mừng thắng lợi.