Khai trương ngày 20/07/2008.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
11. Ở lại vùng địch tạm chiếm
Sau khi Pháp gây hấn chiếm đóng thị xã Lạng Sơn và các vùng lân cận, tôi và gia đình bị nghẽn ở vùng tạm chiếm, nhưng vẫn luôn luôn bắt mối với cán bộ ở vùng tự do sang.
Sau bị lộ, tôi ra vùng tự do. Bọn thực dân tức tối đến vây bắt gia đình tôi. Vợ tôi chạy thoát mang theo 4 con. Chúng đưa mẹ và 3 con tôi đi an trí ở nhà thờ Mỹ Sơn, tịch thu hết gia tài điền sản.
Tháng 10/1947, được bổ nhiệm Giám đốc Tư pháp khu 14, gồm 6 huyện: Phú Thọ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, nghĩa là khu 14 chỉ có 6 huyện tự do Phú Thọ, còn đều là vùng địch tạm chiếm.
Ở đây tôi gặp anh Nguyễn Thành Vĩnh làm Phó Giám đốc, một luật gia, đồng thời là một nhà thơ. Tôi học làm thơ từ đó. Ở đây công tác tư pháp không đáng kể, chúng tôi làm công tác mặt trận (lúc bấy giờ là mặt trận Liên Việt) là chủ yếu, như vận động chi viện người và của cho Tây Bắc. Việc này thu được ít nhiều kết quả trong việc ủng hộ nhân dân Tây Bắc kháng chiến.
Nhưng khu 14 chỉ tồn tại trong ba tháng thì giải tán, sáp nhập Liên khu 10 gồm Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai. Tôi được giao làm Giám đốc Trường Quân chính miền núi Liên khu 10, giáo dục văn hóa, chính trị, quân sự cho thanh niên các dân tộc trong khu, trong đó có nhiều con em các dòng họ quý tộc ở Sơn La, Lai Châu sơ tán ra vùng tự do.
Năm 1950, tôi chuyển sang Bộ Nội vụ làm công tác nghiên cứu xây dựng chính quyền miền núi. Chủ yếu đi theo các chiến dịch lớn như Biên Giới năm 1950, Hoà Bình năm 1952, Tây Bắc năm 1954, Điện Biên Phủ năm 1954, làm công tác huấn luyện cán bộ cơ sở, chia xã, xây dựng chính quyền xã, đồng thời góp phần xây dựng chương trình dân tộc của Đảng. Việc này thu được khá nhiều kết quả. Sau chiến dịch Hòa Bình, tôi được tặng huy hiệu chiến sỹ thi đua.
12. Đoạn kết
Tháng 10 năm 1954, được về Hà Nội tiếp quản thủ đô. Được dự thảo diễn văn cho đồng chí Trường Chinh. Công tác ở Ủy ban dân tộc Trung ương, đến năm 19.., được chuyển sang làm công tác nghiên cứu dân tộc học, thành lập Viện dân tộc học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, giữ chức Viện phó, quyền Viện trưởng. Đến năm 1972, nghỉ hưu.