Khai trương ngày 20/07/2008.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
5. Sự học tập, phấn đấu của bản thân để trở thành đảng viên, cán bộ cách mạng (tiếp)
Tôi đã mê học vẽ từ thuở nhỏ. Nguyên nhân, tôi có một ông bác, một thày tào cao tay, hay chữ. Ông ta định thuê người ta vẽ cho một bộ tranh thập điện, nhưng thợ vẽ đòi giá tiền cao lắm. Ông quyết tâm tự vẽ lấy. Ông mượn người ta một bộ tranh thập điện làm mẫu và tự tay vẽ lấy. Trước tiên, ông dùng giấy bạch tuyết vẽ bằng mực nho, sau đó, ông bồi từng bức tranh cho cứng rắn rồi mới dùng màu tô thêm. Kết quả là ông hoàn thành bộ tranh thập điện, không khác gì tranh mầu. Tôi hàng ngày xem ông bác tôi vẽ tranh, cách tô màu, bồi tranh như thế nào, nên dần dần mê luôn học vẽ.
Tôi lớn lên, tiếp tục học trường Tổng sư, vừa học chữ Hán vừa học chữ Quốc ngữ. Trường tiểu học, rồi trường cao đẳng tiểu học tức trường Bưởi, sau thi đỗ được bổ làm thư ký Tòa sứ.
Năm 1930, tôi được bổ làm thư ký Tòa sứ ở Lào Cai. Nhưng đến cuối năm 1931, cơ quan điều động tôi đi làm thư ký tòa Đại lý ở Mường Khương, thay ông Trần Ngọc Phác chuyển về Lào Cai, để làm phiên dịch tiếng quan hỏa, và lúc bấy giờ, Tòa sứ thiếu người làm phiên dịch tiếng quan hỏa.
Ngày xưa, ở những vùng biên giới, dân tộc phức tạp. Chính quyền thực dân cử một viên quan ba làm chức Đại lý, thay mặt chánh sư coi một huyện, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương, vừa làm công việc quản lý hành chính. Ở Lào Cai, có 6 huyện thì 4 huyện do viên Đại lý cai trị, tức là Mường Khương, Phong Thổ, Bát Xát, Bắc Hà, 2 huyện do quan Việt Nam cai trị, tức là Bảo Thắng, Thùy Vĩ.
Tôi đổi đi Mường Khương, phải cố gắng học cho bằng được tiếng quan hỏa để làm được nhiệm vụ phiên dịch, vì tiếng quan hỏa là tiếng phổ thông cho tất cả các dân tộc ở địa phương.
Công việc ở đây tương đối đơn giản. Tôi có thì giờ học tập, học vẽ hơn. Tôi đi làm nhưng vẫn ham học vẽ. Tôi theo học một lớp hàm thụ trong ba năm ở trường Ecole ABC de Dessin ở Paris. Nhà trường cung cấp bài học, ra đầu bài, ta vẽ gửi sang Paris, thầy giáo chấm và gửi trả với những sửa chữa, những lời khuyên bảo. Tôi học xong 12 bài trong ba năm. Nhà trường lại gửi hàng tháng một tạp chí nghệ thuật và văn chương (Bevue artiotique et littéraire de l’ABC, đi sâu vào lý luận nghệ thuật và hội họa).
Nhờ có tạp chí này, trình độ lý luận về nghệ thuật, hội họa được nâng cao thêm, làm cho tôi càng thích thú đi vào con đường hội họa. Các giáo sư thường dặn tôi: nếu anh muốn trở thành một họa sỹ, anh phải thấm nhuần những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa nhân đạo Hyla (Humanité Greco Latine) – ý nói phải có một nền tảng triết học vững chắc. Tôi thấy chúng ta cũng có một chủ nghĩa nhân đạo truyền thống, tức là chủ nghĩa nhân đạo Hán Việt, tức là triết học Khổng giáo. Từ đó tôi bắt đầu tìm hiểu sâu vào chủ nghĩa nhân đạo Hán Việt qua cuốn Nho giáo của Trần Trọng Kim, qua các sách kinh điển Tứ thư ngũ kinh. Do đó mà tư tưởng chính trị cũng như học thuật có phần nâng cao thêm.