Khai trương ngày 20/07/2008.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
5. Sự học tập, phấn đấu của bản thân để trở thành đảng viên, cán bộ cách mạng (tiếp)
Tôi thấy những quan điểm của Nho giáo về cơ bản là đúng, nhưng chỉ là đúng trên lý tưởng mà thôi, còn về hiện thực, khó có thể thực hiện được. Ví dụ: Khổng giáo cho con người là yếu tố quan trọng vào bậc nhất, ngang với trời đất (Tam tài giả thiên địa nhân) để cải tạo xã hội. Rõ ràng có con người tài, giỏi thì việc khó khăn đến mấy cũng xong.
Nho giáo lý tưởng hóa bậc đế vương, cho là đã là vua thì phải là người có tài đức hơn mọi người. Nhưng họa hoằn mới có một vài ông vua lý tưởng ấy, phần lớn toàn là những tên vua thoái hóa, dâm ô, trụy lạc, độc đoán, tàn nhẫn.
Con người muốn trở thành một người tề gia, trị quốc, bình thiên hạ thì phải tu thân, tự rèn luyện, bồi dưỡng đức tài. Tu thân có bốn bước: cách vật, chí tri, thành ý, chính tâm. Cách vật là biết và làm cái đúng, bỏ cái sai; chí tri là biết đến nơi đến chốn; thành ý là có quan điểm đúng; chính tâm là có lòng ngay thẳng, không thiên vị. Tất nhiên, trong thực tế, ít có người làm được như vậy.
Con người có khả năng vô tận. Nếu có công học tập, tu dưỡng thì người kém có thể trở nên người tài năng được, ngu có thể trở thành hiền được.
Con người ngay thẳng cũng như một bình pha lê đựng nước lọc, có bụi bặm thì thấy ngay. Con người không ngay thẳng, vì lòng riêng tư chi phối, cũng như một bình nước đục, làm sao thấy được bụi bậm, tức là không thể thấy được cái sai cái đúng được.
Không sợ nghèo mà sợ lòng dân không yên, không sợ ít mà sợ sự phân phối không công bằng, thực là một câu nói rất chí lý.
Về phương pháp học tập tu dưỡng, Khổng giáo cũng cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý báu, bằng công thức năm bước: bác học, thẩm vấn, thông tư, minh biện, đốc hành, nghĩa là phải học cho rộng, điều tra hỏi cho kỹ, suy nghĩ cho chín, trình bày cho minh bạch, rồi chấp hành cho đúng.
Về quan hệ giữa vua tôi, cha con, nhà cầm quyền và dân, tức là giữa người lãnh đạo và người bị lãnh đạo, Khổng giáo cũng đưa ra những khẩu hiệu đứng trên lý tưởng như:
“Quân kính thần trung, phụ từ tử hiếu”, nghĩa là vua phải tôn trọng các quan, đãi ngộ đúng tài năng của từng người, thì các quan mới trung thành với vua;
Cha phải hiền và gương mẫu thì con mới có hiếu với cha.
“Nhà cầm quyền phải có đức, ví như sao Bắc đẩu, các ngôi sao khác phải hướng theo”. Có nghĩa là nhà cầm quyền phải ngay thẳng thì mới được dân ủng hộ.
Hoặc là “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Cấp trên không ngay thẳng, thì kẻ dưới làm loạn.
Còn đạo nhân của Khổng giáo, yêu rộng rãi con người, yêu thiên nhiên, đã ảnh hưởng đến tư tưởng học thuật của tôi. Trong mỗi bức tranh chân dung, tôi cố gắng làm nổi bật vẻ đẹp của con người Việt Nam, hiền hậu nhưng rất anh hùng. Tất nhiên, ý muốn của tôi là như vậy, nhưng vì tài nghệ bị hạn chế, tôi không phải là họa sỹ chuyên nghiệp, nên mục đích khó đạt được.
Trên đây, tôi nêu lên một số yếu tố tích cực của Nho giáo trên lý tưởng mà tôi cho là có thể đóng góp phần nào vào việc xây dựng tư duy mới, con người mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng điều đó còn tùy thuộc vào nỗ lực chủ quan của mỗi người, vào việc quản lý và tổ chức xã hội ngày một công bằng hợp lý hơn.