Khai trương ngày 20/07/2008.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
5. Sự học tập, phấn đấu của bản thân để trở thành đảng viên, cán bộ cách mạng
Học vỡ lòng: Tôi lên 7 tuổi, bắt đầu học chữ nho với một ông đồ, tên là Vũ Thanh Mai, người Nam Định, một ông thầy đạo mạo, râu dài, nổi tiếng hay chữ, đã dạy học ở địa phương lâu năm, đào tạo được nhiều lớp người biết chữ. Lớp học tổ chức ở một nhà sàn, có bàn thờ Khổng tử. Mỗi sáng, học trò thay phiên nhau thắp hương, cúng nước chè. Ngày khai trường, các phụ huynh tổ chức lễ tế Thành, tiếp sau đó là một bữa cơm liên hoan giữa thầy trò và các phụ huynh. Ngoài ra, còn có Xuân Thu nhị kỳ, cũng có tổ chức tế Thành và bữa cơm liên hoan.
Thầy đồ rất nghiêm khắc. Trên tường đã treo một ống roi mây, ai không thuộc bài, hay thái độ không nghiêm chỉnh, liện bị đòn.
Tôi học tương đối sáng dạ. Học trò phải học thuộc lòng. Trước khi tan buổi học, học sinh gấp sách dọc trước mặt thầy. Ai không thuộc bài, sẽ bị đòn. Một bạn đứng lên đọc ấp úng, tỏ không thuộc bài. Tôi nhắc, liền bị thầy đồ vụt cho một roi vào mặt. Tôi đau rát mặt quá. Tôi gào thét lên, chạy khỏi lớp học lên rừng. Người nhà đi dỗ mãi mới trở về học. Tuy vậy, tôi vẫn tôn trọng thầy. Mỗi khi hái được quả ổi nào chín, thơm ngon, tôi để vào đĩa, trân trọng dâng thầy, được thầy khen là trò ngoan.
Chương trình học ngày xưa quả là quá cao so với những trẻ em 7, 8 tuổi. Mấy cuốn sách Tam tự kinh, Tứ tự kinh, Ngũ tự kinh, tóm tắt nền Triết học, luân lý của đạo Khổng, học sinh cứ phải học thuộc lòng, không biết nghĩa lý là gì. May mà sách viết có vần nên dễ học, dễ nhớ. Hàng ngày phải gấp sách đọc thuộc lòng từng bài mà thầy chấm cho. Nhưng tới ngày rằm, mùng một, lại bắt học sinh phải đọc thuộc lòng tất cả những bài đã học trong 15 ngày qua.
Mấy câu mở đầu trong các sách vỡ lòng có những ý nghĩa rất thâm thúy, về sau lớn lên, đọc qua các sách kinh điển, tôi mới rõ nghĩa. Sách Tam tự kinh có câu mở đầu:
Nhân tri sơ, tính bản thiện. Tính tương cận, tập tương viễn. Cẩu bất giáo, tính nãi thiên.
Đại khái nói: người ta sinh ra tính vốn hiền lành, tính người ta gần nhau, chỉ vì sống ở môi trường khác nhau, tập quán khác nhau mà tính mới khác nhau.
Nếu không được giáo dục, tính lại thay đổi đi.
Hoặc là có câu: Ấu bất học, lão hà vi, nghĩa là trẻ không chịu học, già biết làm gì.
Những câu mở đầu cuốn Tứ tự kinh đề cập đến việc hình thành vũ trụ, hình thành trái đất của chúng ta. Hôm nay chi sơ, vị phân thiên địa. Bàn cổ thủy xuất, thủy phán âm dương. Đại ý nói: Trái đất của chúng ta trong thời kỳ hỗn mang chưa phân biệt trời đất, chỉ có đời vua Bàn cổ ra đời, mới phân biệt được khí âm khí dương, nghĩa là hai nhân tố cơ bản để hình thành trời đất và muôn vật.
Cuốn Ngũ tự kinh thì hết sức đề cao việc học tập.
Vạn bang giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao. Mãn triều chu tử quí, tận thị độc thư nhân. Tích nhật nhất bần nho. Khu thừa tứ mã xa.
Đại ý nói: Cái quý đẹp nhất trên đời này, đọc sách là cao hơn cả. Các quan to trong triều đình mặc áo đỏ, áo tía, đều là những người hay chữ cả.
Ngày xưa chỉ là một bần nho, nay làm nên quan sang đi xe bốn ngựa.