Khai trương ngày 20/07/2008.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
Cuối năm 1937, tôi xin và được đổi về Lạng Sơn làm thư ký lục sư tại Tòa án tỉnh kiêm phiên dịch tiếng dân tộc và tiếng quan hỏa. Lúc bấy giờ tôi tròn 29 tuổi.
Tôi có cảm tình đặc biệt với anh Nguyễn Hữu Viên, tham tá Tòa sứ, cùng nhau trò chuyện rất ý hợp tâm đầu, và cũng tỏ ra có một chí hướng là yêu nước,
nhưng chỉ hạn chế trong việc đào tạo một lớp người trẻ, có tinh thần yêu nước, có một đời sống lành mạnh, biết làm những việc có ích.
Anh Viên làm Đoàn trưởng đoàn hướng đạo sinh, và mời tôi cùng tham gia phong trào.
Hướng đạo là một thứ luân lý thực hành với ba khẩu hiệu: Phụng sự Tổ quốc, Giúp ích mọi người, Tuân theo luật hướng đạo.
Mỗi hướng đạo sinh mỗi ngày nên làm một việc thiện, dù là một việc rất nhỏ.
Chủ nhật thì đưa thanh niên đi cắm trại, tự nấu ăn lấy.
Sau tôi được anh em bầu làm Tráng Trưởng trong đoàn Ngô Thời Sỹ, bao gồm một số học sinh trường phổ thông cấp hai đã qua tuổi hướng đạo sinh và
một số công chức nhỏ. Đoàn Tráng sinh Ngô Thời Sỹ tham gia phong trào Truyền bá quốc ngữ do tôi làm Chi hội trưởng.
Học sinh phần lớn là dân nghèo thành thị, nhiệt liệt hoan nghênh đoàn chúng tôi.
Nhờ tham gia phong trào hướng đạo, tôi được đi du lịch nhiều nơi, mất ít tiền, như cuộc đi ra Huế, thăm đế đô và các lăng tẩm,
cuộc đi cắm trại ở Sầm Sơn, cuộc đi xe đạp từ Lạng Sơn đến Đồ Sơn, v.v. Nhưng thú nhất là được sống trong tình trang thân hữu, anh em hướng đạo quí mến
thương yêu nhau, tin cẩn nhau như anh em một nhà.
Phong trào hướng đạo là một phong trào yêu nước. Mặt trận Việt Minh bí mật đã thu hút rất nhiều
thanh niên hướng đạo. Ở Lạng Sơn, nhiều thanh niên hướng đạo, trong đó có nhiều người con nhà tư sản giàu có sẵn sàng hy sinh tất cả để đi tham gia Cứu quốc quân,
nhiều người lên đến cấp Trung đoàn trưởng, nhiều người đã hy sinh vì Tổ quốc. Khảng khái nhất là đồng chí Hoàng Đạo Thúy, năm nay gần 90 tuổi,
Tổng ủy viên hướng đạo toàn quốc. Tên Đuy-cu-roa, Trưởng đoàn Thanh niên dưới thời Pê-tanh, thấy anh Hoàng Đạo Thúy có uy tín lớn đối với thanh niên Việt Nam,
định mời anh về làm Phó đoàn trưởng đoàn Thanh niên Đuy-cu-roa, lương tháng 1500 đồng Đông Dương, nhưng anh Thúy chối phăng, mặc dầu lúc ấy lương giáo viên của anh mới trên dưới 100 đồng.
6. Việc xuất chính tục việc thi ra làm quan
Lúc bấy giờ, tôi chưa giác ngộ cách mạng, theo đà anh em đua đòi để thi vượt cấp, để hưởng bổng lộc cao hơn. Thư ký Tòa sứ bậc 4 thì có thể đi thi Tri châu. Nhưng thi vào ngạch quan lại thì rất khó khăn. Thứ nhất, phải có thế, biết được hội đồng chấm thi là ai thì chạy trước. Thứ hai, phải có tiền. Tôi đi thi hai lần đều hỏng.
Tôi đi thi Tri châu lần thứ ba vào cuối năm 1944. Dịp may có một ông bạn là Nguyễn Văn Liên, thư ký Tòa sứ ở Hà Đông đến yêu cầu tôi cùng đi thi, vì hắn có quan thầy là Chánh sứ Vinay được cử làm chánh chủ khảo. Chương trình thi gồm có 4 bài viết, một bài về kiến thức phổ thông (lịch sử và địa dư), một bài về luật hay hành chính, một bài về tiếng dân tộc và một bài chữ Hán. Anh Liên có hai nhược điểm là không biết tiếng dân tộc, không biết chữ Hán. Hắn bảo tôi cùng đi thi để truyền bản thảo cho hắn về hai bài này, vì theo vần chữ cái, hai người sẽ ngồi gần nhau. Tôi đồng ý cùng đi thi, thi ngay ở câu lạc bộ Hà Đông để tránh máy bay Mỹ.
Về thi viết tôi trúng hai bài tủ:
Tôi làm nhẹ nhàng hai bài này, còn một bài bằng tiếng dân tộc và bằng chữ Hán tôi cũng làm xong và mật đưa bản thảo cho anh Liên. Thế là cả hai chúng tôi đều được vào vấn đáp.
Kết quả, trong khoảng 40 thí sinh, trúng cử 5 người. Anh Liên mà tôi hỗ trợ cho đỗ thứ năm, với 235 điểm rưỡi. Tôi lại bị xếp vào thứ sáu, với 235 điểm một phần ba. Thế là không được xếp vào số người trúng cử.
Chánh chủ khảo tuyên bố : Đáng tiếc cho ông Lô chỉ kém người trên có 1/3 điểm. Chúng tôi sẽ xét xem có thể lấy thêm một người có được không. Về sau quả là họ lấy thêm một người. Tôi được trúng cử lấy thêm (suplémentasu).